Mỗi năm mùa nước lũ lại nghe đâu đó biết bao nhiêu vụ đuối nước. Vì vậy, Phong xin chia sẻ một số kinh nghiệm hay có thể gọi là mẹo để dạy bơi, giúp mọi người học bơi tốt hơn, đặc biệt với những trường hợp trẻ bị sợ nước, hoặc bị tâm lý, học mãi không bơi được.
LỢI ÍCH CỦA VIỆC BƠI LỘI
Chắc ai cũng hiểu việc biết bơi giúp chúng ta có thể tự cứu mình hoặc chủ động khi bị ngã hoặc ở trong nước. Nhưng ít ai biết, bơi lội còn giúp mang đến cho chúng ta nhiều lợi ích khác.
Học bơi giúp phát triển khả năng học tập toàn diện
Việc học bơi không chỉ mang lại lợi ích về thể chất, mà còn góp phần nâng cao khả năng học tập của trẻ. Khi một đứa trẻ học được kỹ năng bơi – tức là làm chủ một môi trường hoàn toàn khác với cuộc sống trên cạn – não bộ sẽ được kích thích để phát triển khả năng thích nghi, xử lý tình huống và tiếp thu kiến thức mới.
Điều này tương tự như việc học ngoại ngữ. Một người đã học tốt tiếng Anh thường có xu hướng học thêm tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung hay các ngoại ngữ khác dễ dàng hơn, bởi vì não bộ đã quen với việc tiếp nhận một hệ thống ngôn ngữ mới. Trong khi đó, người chưa từng học ngoại ngữ lại dễ cảm thấy việc học một ngôn ngữ mới là điều rất khó khăn.
Bơi lội cũng vậy. Đây là một kỹ năng “khác biệt” vì con người vốn không sống trong môi trường nước. Khi trẻ học bơi, não bộ buộc phải tạo ra những phản xạ mới, từ đó mở rộng khả năng tư duy, ghi nhớ và học hỏi. Chính quá trình này giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí tuệ, hỗ trợ hiệu quả trong việc học các môn học khác.
Học bơi giúp trẻ phát triển chiều cao tốt hơn.
Điều này Phong rút ra khi quan sát những trẻ Phong quen biết, theo dõi và nhận ra sự thay đổi đáng kể về chiều cao sau khi học bơi. Thực sự học bơi có thể giúp trẻ phát triển chiều cao tốt hơn. Dưới dây là những lí do giải thích việc bơi lội giúp trẻ phát triển chiều cao như thế nào:
1. Bơi lội giúp kích thích sự phát triển của xương dài
Khi bơi, các động tác như đạp chân, vươn tay, kéo nước giúp kéo giãn toàn thân, đặc biệt là cột sống và xương chi. Việc này tạo điều kiện để xương phát triển về chiều dài khi trẻ còn trong giai đoạn tăng trưởng.
2. Giúp cơ thể sản sinh hormone tăng trưởng (GH)
Bơi lội là môn thể thao vận động toàn thân, giúp kích thích tuyến yên sản sinh ra hormone tăng trưởng – yếu tố quan trọng thúc đẩy chiều cao. Trẻ bơi thường xuyên có mức GH cao hơn trẻ ít vận động.
3. Tư thế thẳng, cột sống khỏe mạnh
Bơi giúp cải thiện tư thế cơ thể, giảm cong vẹo cột sống – một nguyên nhân khiến trẻ nhìn “lùn” hơn thực tế. Trẻ biết bơi thường có dáng đi thẳng, ngực nở, vai mở rộng, tạo cảm giác cao ráo hơn.
4. Hỗ trợ hệ tiêu hóa và giấc ngủ
Vận động đều đặn giúp trẻ ăn ngon hơn, ngủ sâu hơn – hai yếu tố quan trọng giúp xương phát triển. Khi trẻ ngủ sâu (đặc biệt vào ban đêm), cơ thể tiết nhiều hormone tăng trưởng nhất.
5. Ít gây chấn thương – vận động hiệu quả và an toàn
So với bóng đá hay bóng rổ, bơi là môn có tác động thấp lên khớp, rất phù hợp với trẻ nhỏ. Vận động trong môi trường nước giúp cơ thể giảm áp lực, đồng thời vận động hiệu quả mà không lo chấn thương.
Độ tuổi nào học bơi có thể giúp phát triển chiều cao tốt nhất?
Độ tuổi vàng để học bơi và phát triển chiều cao là từ 5–15 tuổi. Mỗi tuần nên bơi từ 2–3 buổi, mỗi buổi 30–45 phút. Nên kết hợp bơi với chế độ dinh dưỡng đầy đủ (canxi, vitamin D, protein) và giấc ngủ chất lượng.
Như vậy, bơi không chỉ là kỹ năng sống, mà còn là “chìa khóa” để trẻ phát triển chiều cao toàn diện. Nếu con bạn còn trong độ tuổi tăng trưởng, hãy khuyến khích học bơi ngay hôm nay – không chỉ để cao hơn, mà còn khỏe mạnh và tự tin hơn mỗi ngày.
5 KINH NGHIỆM DẠY BƠI CHO TRẺ – ĐẶC BIỆT VỚI NHỮNG “CA KHÓ” HỌC MÃI KHÔNG BƠI ĐƯỢC
Việc dạy bơi cho trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có những bé tiếp thu rất nhanh, nhưng cũng có không ít trường hợp trẻ học hoài mà vẫn chưa thể tự nổi hay bơi đúng kỹ thuật. Dưới đây là 5 kinh nghiệm thực tiễn, giúp bạn xử lý những “ca khó” trong quá trình dạy bơi cho trẻ:
1. Tạo cảm giác an toàn tuyệt đối
Nhiều trẻ sợ nước không phải vì không biết bơi, mà vì tâm lý lo lắng, sợ chìm, sợ nước vào mũi. Với những bé này, đầu tiên chúng ta không nên dạy kỹ thuật, mà là giúp con tin tưởng và cảm thấy an toàn trong môi trường nước.
Chúng ta nên cho bé chơi nước ở khu vực nông trước, chỉ ngập đến rốn. Luôn ở bên cạnh trẻ, giữ nhẹ dưới nách, không rời mắt dù một giây. Dùng phao tay hoặc áo phao lúc đầu để bé tự tin hơn.
Khen ngợi khi trẻ dám úp mặt xuống nước hoặc nổi được 1–2 giây. Với những trẻ khó tập bơi, hãy kiên trì. Hãy cho trẻ cảm thấy an toàn trước khi muốn trẻ học thêm bất cứ điều gì.
2. Dạy cảm giác nước trước khi dạy bơi.
Một trong những lý do trẻ học mãi không bơi được là vì chưa kiểm soát được hơi thở và kỹ năng nổi – nền tảng quan trọng để bơi. Nhiều người gọi là cho bé tập nổi trước khi học bơi. Cũng là cách gọi đúng nhưng chưa hoàn đủ.
Phong thấy điều quan trọng nhất khi học bơi, đặc biệt những ca khó học bơi, đó là học "CẢM GIÁC VỚI NƯỚC". Trong tiếng Anh có một từ rất hay, đó là "FEELING", chẳng hạn "feeling soud" là cảm giác với âm thanh. Có nhiều người học tiếng Anh hơn chục năm trời nhưng chẳng dám nói từ tiếng anh nào trước mặt người khác, bởi vì khi học giáo viên thường không dạy cho họ "feeling sound". Vì vậy họ không tự tin và không dám nói trước người khác, đặc biệt nói trước người ngoại quốc.
Trong học bơi cũng vậy, cảm giác với nước là cực kì quan trọng, nhưng lại ít người chỉ dạy. Mà trớ trêu thay, thường người đã biết bơi, thành thạo kĩ năng bơi lội mới có cảm giác với nước. Trong khi đó chúng ta hoàn toàn có thể dạy cho trẻ cảm giác với nước ngay khi mới học bơi. Giống như dạy "feeling sound" cho người học tiếng Anh ngay khi mới học ngoại ngữ.
Cách dạy CẢM GIÁC NƯỚC cho trẻ:
Chúng ta có thể dạy trẻ cảm giác với nước ngay chưa ra bể học bơi. Trước khi cho bé học bơi, chúng ta dạy trẻ các cúi đầu xuống chậu nước tắm ở nhà, nín thở trong 5-10 giây. Dần dần tăng số giây lên càng lâu càng tốt. Việc này giúp bé khi ra bể bơi không sợ xuống nước và sẽ có cảm giác ban đầu với môi trường khi ở trong nước.
Bước tiếp theo của dạy cảm giác nước, đó là khi mới học bơi, chúng ta dạy trẻ nín thở ở trong nước. Ban đầu cho trẻ tập úp mặt xuống nước trong bể bơi, giống như ở nhà bé úp mặt vào chậu tắm nín thở tầm 10-15 giây. Dần dần dạy trẻ cách hụp lặn toàn thân trong nước. Số giây ở trong nước tăng dần.
Nhanh thì sau 1-2 ngày, lâu thì 3-5 ngày chỉ tập CẢM GIÁC. Khi bé đã có cảm giác với nước rồi, lúc này, việc học bơi của bé trở lên cực kì đơn giản và dễ dàng.
3. Chia nhỏ kỹ thuật – kiên trì dạy từng bước một
Với những trẻ tiếp thu chậm, không nên dạy quá nhiều trong 1 buổi. Nên chia nhỏ từng phần: chân – tay – thở – phối hợp.
Ví dụ:
Dành 1–2 buổi chỉ tập đạp chân đúng kỹ thuật. Sau đó mới chuyển sang tập tay (có thể dùng bàn đạp bơi hoặc phao tay hỗ trợ). Cuối cùng mới phối hợp cả tay – chân – thở.
Cần dạy từ từ, đơn giản, không nóng vội. Với mỗi kỹ thuật, hãy chắc chắn trẻ hiểu và làm được cơ bản trước khi chuyển sang phần tiếp theo.
4. Sáng tạo trò chơi để tạo hứng thú
Trẻ em học tốt nhất khi được chơi. Với những bé “lì lợm”, sợ nước hoặc chán nản, biến buổi học thành trò chơi là cách hiệu quả để thu hút.
Một vài trò chơi hiệu quả:
Thi ai giữ hơi lâu hơn dưới nước.
Ném đồ chơi xuống nước – ai nhặt được nhanh hơn.
Đưa bóng qua lại bằng cách đạp nước di chuyển.
Thông qua chơi, trẻ sẽ dần quên đi nỗi sợ và tiếp thu kỹ năng một cách tự nhiên.
5. Kiên nhẫn – động viên – không so sánh
Với những trẻ học chậm, yếu tố quan trọng nhất không phải phương pháp, mà là sự kiên nhẫn và động viên từ người dạy. Tránh tuyệt đối việc so sánh con với bạn khác – điều này chỉ khiến trẻ tự ti và mất tinh thần.
Hãy nhớ:
Mỗi trẻ có tốc độ phát triển khác nhau. Kỹ năng bơi không chỉ là thể chất, mà còn liên quan đến tâm lý. Hành trình học bơi có thể cần 10–20 buổi, thậm chí hơn – điều đó là hoàn toàn bình thường.
Làm sao để động viên trẻ học bơi hiệu quả?
Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp trẻ học bơi nhanh hơn chính là sự động viên đúng lúc từ người lớn – đặc biệt là cha mẹ.
Hãy tưởng tượng thế này: Khi trẻ vừa bơi được một đoạn, hoặc mới thực hiện được một động tác, bé thường quay mặt tìm bạn – người đang đứng ngoài quan sát. Đó là khoảnh khắc trẻ đang “khát” sự công nhận, đang mong chờ một ánh mắt ủng hộ, một nụ cười khích lệ, hay đơn giản chỉ là cái gật đầu tán thưởng.
Thế nhưng rất nhiều phụ huynh lại chờ đến khi con biết bơi hẳn mới bắt đầu khen, như thể thành tích đó mới xứng đáng nhận lời khen. Đây là một sai lầm đáng tiếc.
Hãy nhớ rằng: Động viên đúng lúc cũng quan trọng như việc cho con ăn khi con đói. Khi trẻ "đói" lời khen mà không được đáp lại, bé dễ mất động lực, chán nản và chậm tiến bộ hơn rất nhiều.
Bạn không cần phải nói những lời hoa mỹ. Chỉ cần giơ ngón tay cái, mỉm cười hoặc gọi to: "Giỏi quá con ơi!" – là đủ để trẻ cảm thấy được công nhận và tiếp thêm tự tin.
Nếu không thể vào bể bơi theo dõi con, thì hãy khen con khi đón về:
Đừng hỏi: “Hôm nay con bơi được bao nhiêu mét?”
Hãy hỏi: “Hôm nay con bơi có mệt không? Mẹ đưa con đi ăn nhé!”
Và nếu con khoe: “Con bơi được 2 mét rồi!”
Hãy ồ lên một cách đầy hứng khởi:
“Giỏi quá! Mới học 2 tuần đã bơi được 2 mét rồi à? Hồi mẹ học bơi, mấy tháng chưa bơi nổi đấy!”
Những bé học nhanh thì là một chuyện khác, nhưng với các bé học chậm hoặc sợ nước, thì tâm lý là yếu tố then chốt. Trong những trường hợp này, vai trò của phụ huynh chiếm đến 50% sự thành công, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của giáo viên.
vì vậy, hãy động viên con ngay khi có thể, bằng sự quan tâm thật lòng. Đó không chỉ là cách giúp trẻ bơi nhanh hơn, mà còn là cách giúp con tin vào chính mình trên hành trình học hỏi suốt đời.
Không có đứa trẻ nào “không thể học bơi”, chỉ là chưa có cách tiếp cận đúng, phù hợp. Với sự kiên nhẫn, tâm lý vững vàng và phương pháp phù hợp, mọi trẻ em đều có thể học bơi – dù là “ca khó”. Và khi trẻ biết bơi, đó không chỉ là kỹ năng sống, mà còn là một cột mốc tự tin lớn trong cuộc đời các con.